138 Đường Số 1, P. An Lạc, Q. Bình Tân, TPHCM
Trang chủ » TIN TỨC NGUYÊN NHÂN THẤM VÀ VỊ TRÍ THƯỜNG GẶP

NGUYÊN NHÂN THẤM VÀ VỊ TRÍ THƯỜNG GẶP

Chúng ta biết rằng Thấm bắt nguồn từ...…nước, mà nước thì có ở mọi nơi trên trái đất, mọi công trình xây dựng đều liên quan tới nước cả ở phía trong và ngoài công trình. Nói đơn giản hơn, nước là phần không thể tách rời các công trình xây dựng. Chỗ nào có nước là có nguy cơ thấm. Tuy nhiên khác với chống nóng - có thể dễ dàng nhận biết; việc chống thấm khó khăn hơn nhiều, đặc biệt là việc xử lý thấm cho các công trình đã bị thấm.

Những năm trước đây do qui mô các công trình thường là nhỏ, ít tầng; các sinh hoạt liên quan đến nước hầu như được tách biệt khỏi ngôi nhà cho nên các giải pháp chống thấm chưa cần phải quan tâm nhiều. Ngày nay, do sự thay đổi về đặc thù kiến trúc như việc kéo gần những không gian sinh hoạt liên quan tới nước vào không gian chính của công trình, việc mở rộng qui mô các công trình cả về bề rộng, chiều cao và chiều sâu, việc tích hợp nhiều phân khu chức năng có liên quan tới nước vào công trình… thì việc xử lý thấm và chống thấm đã trở thành một yêu cầu không thể bỏ qua khi xây dựng công trình.

Bản chất của hiện tương thấm: Về mặt lý thuyết, chúng ta biết rằng các loại vật liệu xây dựng thông thường (cát , đá, gạch…) đều có những mao quản (khoảng cách giữa các hạt) có đường kính khoảng từ 20 - 40 micromet (1micromet=1/1.000 milimet). Khi bề mặt vật liệu này tiếp xúc với nước, nước sẽ xâm nhập qua các khe hở ở bề mặt, thẩm thấu theo các mao quản vào bên trong (mao dẫn) gây ra hiện tượng thấm. Mặt khác, Việt Nam là đất nước nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, có sự thay đổi thất thường và chênh lệch rất lớn về nhiệt độ và độ ẩm giữa các mùa đã làm cho hiện tượng co ngót, giãn nở, nứt phá trên bề mặt bê tông diễn ra rất mạnh. Hiện tượng đó kết hợp với hiện tượng sụt, lún không đều tại các công trình sẽ tạo ra các khe nứt - đây là một yếu tố cơ bản gây ra hiện tượng thấm.

Những phần nào của công trình dễ bị thấm?

Đó là những phần công trình chịu tác động của tự nhiên (nước mưa, nước ngầm), và phần công trình liên quan tới quá trình dự trữ và sử dụng nước. Về mặt kiến trúc có thể phân loại như sau:

Các phần bị thấm bởi nước mưa: tường, chân tường, mái, sàn ban công…

Các phần bị thấm bởi nước sử dụng cả cấp và thoát nước như sàn, tường, hộp kỹ thuật… các khu vệ sinh, miệng phễu thu thoát nước ở sàn vệ sinh, sàn ban công, seno, sân thượng, sàn mái…

Vị trí tiếp giáp giữa khối xây (tường gạch) và kết cấu bê tông, tiếp giáp giữa khối xây trước - sau, khối xây cũ - mới (truờng hợp cải tạo), tiếp giáp giữa hai khối công trình xây sát nhau, tiếp giáp trên bề mặt có sử dụng các loại vật liệu khác nhau

Các phần bị thấm bởi nuớc ngầm: tầng hầm chìm trong đất, hố thang máy, móng, chân tường… Các khu vực liên quan tới bể chứa: bể phốt, bể nước (ngầm, nổi), bể bơi…

Chân các kết cấu, thiết bị chôn hay lắp ráp vào tường (hoa sắt, nan chắn nắng, dây chống sét…) Chân các vị trí liên kết định vị tấm mái nhẹ (bu lông, vít)

Như vậy có thể nói, nước thấm qua các kẽ hở trên bề mặt và cấu trúc vật liệu. Chính vì vậy, để tránh hiện tượng thấm dột xảy ra – giữ cho công trình của chúng ta luôn bền đẹp với thời gian thì ngay từ ban đầu quá trình xây dựng chúng ta đã phải tính tới các giải pháp chống thấm cho công trình.